HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH CẢI TẠO VƯỜN QUÝT
Với tổng diện tích 8.7 ha, cây quýt ở xã Chiềng Cọ - Thành phố Sơn La là loài cây bản địa được người dân tộc Thái trồng từ rất lâu đời và mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân. Cũng giống như nhiều vùng khác trong tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây có múi sinh trưởng và phát triển như Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Mai Sơn...

            Việc phát triển cam, quýt ở Thành phố Sơn La được xem như một trong những giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như phát huy tiềm năng và lợi thế.

           Trước đây quýt Chiềng Cọ được người tiêu dùng ưa chuộng bởi quả có vị ngon ngọt, mọng nước và có mùi thơm mát, tuy nhiên, những năm gần đây năng suất và chất lượng quýt Chiềng Cọ chưa ổn định, người trồng quýt chưa chú trọng công tác thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, còn trồng xen nhiều loài cây khác trong vườn quýt với mật độ dày. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, nâng cao đời sống vật chất cho các hộ nông dân, từng bước khuyến khích nông dân đẩy mạnh thâm canh và phát triển vùng sản xuất quýt có chất lượng cao, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng mô hình “Cải tạo vườn quýt” tại bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, quy mô 02 ha với 11 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ vật tư gồm phân bón hóa học, phân sinh học, bả dự tính dự báo, thuốc bảo vệ thực vật và 01 ngày tập huấn về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây.

          Sau 9 tháng thực hiện mô hình, ngày 24/10/2016 Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành tổng kết, hội thảo kết quả mô hình. Đại biểu tham dự có bà Cầm Thị Phong, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Cầm Thị Thắm, phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Lãnh đạo Trạm Khuyến nông Thành phố và đại diện lãnh đạo xã, bản và các hộ tham gia mô hình. Theo đánh giá tại hội thảo, về khối lượng quả trung bình đạt 105g cao hơn so với vườn cây tự nhiên chỉ đạt 90g, quả chắc hơn, sáng hơn, tép to hơn; số quả trung bình đạt 190 quả/cây, trong khi vườn cây tự nhiên của các hộ không chăm sóc chỉ đạt 130 quả/cây; nhờ có tác động các biện pháp đặc biệt là bón phân nên năng suất vườn quýt cao hơn vườn quýt tự nhiên 8,25kg/cây.

          Chị Lò Thị Lả, một hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng quýt không áp dụng biện pháp kỹ thuật nên quả quýt khô, vị chua, quả nhỏ. Năm nay được tham gia mô hình và nhận hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông, vườn quýt của gia đình tôi cho năng suất cao hơn, quả đẹp hơn, vị ngọt và mọng hơn nên bán được giá hơn, những năm trước chỉ bán được 20.000đ/kg, nhưng năm nay từ đầu vụ đã có nhiều thương lái đến đặt mua với giá 30.000đ/kg. Dự kiến riêng thu nhập từ quýt sẽ được khoảng 70 triệu đồng, tăng thêm gần 30 triệu so với năm ngoái”. Còn anh Tòng Văn Thành chia sẻ: “Gia đình tôi có 4000m2 quýt tham gia mô hình, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và vật tư, đặc biệt là kỹ thuật chặt tỉa cành, tạo tán, loại bỏ bớt cây trồng xen và phòng trừ sâu bệnh hại, từ nay gia đình tôi sẽ áp dụng cách chăm sóc để năm sau vườn quýt cho quả sai hơn năm nay”.

           Cây quýt là một trong những loại cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao, tạo ra lượng hàng hoá lớn trên thị trường. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả và để gìn giữ, phát triển các đặc tính quý của giống quýt Chiềng Cọ thì việc phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người dân rất cần có những chính sách phù hợp nhất là về khoa học công nghệ, cần đầu tư áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp để nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa. Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bà Cầm Thị Phong – phó giám đốc Sở NN&PTNT đã nhấn mạnh : “Từ những hiệu quả ban đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cải tạo quýt tại Chiềng Cọ. Người trồng quýt cần đầu tư thâm canh chăm sóc, đặc biệt phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của thị trường. Để từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ thương hiệu của cây quýt bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và làm giàu cho người trồng quýt; thực hiện tốt việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần hoàn thành tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”./.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập