HỘI THẢO MÔ HÌNH PHỤC TRÁNG GIỐNG LÚA NẾP ĐỊA PHƯƠNG (GIỐNG LÚA NẾP TAN ĐỎ)
Ngày 03/11/2023, tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sơn La phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), UBND huyện Thuận Châu, UBND xã Chiềng Pha tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình “phục tráng giống lúa nếp địa phương” năm 2023. 

    Nằm trong các hoạt động của Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng Tây Bắc” (mã dự án VM070), hợp phần do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện, mô hình phục tráng giống lúa nếp địa phương là một mô hình được đánh giá thiết thực, có ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giống cây trồng bản địa mang lại thu nhập cho người sản xuất.

     Nếp tan lanh (tan đỏ) là giống lúa ruộng bản địa của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Thuận Châu. Đây là một trong những giống lúa đặc sản thơm ngon, dẻo. Người dân nơi đây trồng nếp tan lanh chủ yếu phục vụ gia đình và làm quà biếu người thân, bạn bè vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, qua nhiều năm gieo cấy, giống lúa nếp tan lanh đang dần bị thoái hóa, lẫn tạp với các giống lúa khác, kháng sâu bệnh kém, năng suất giảm nên diện tích cấy lúa ngày càng giảm.

    Mô hình “Phục tráng giống lúa nếp địa phương (giống nếp tan đỏ)” được triển khai thực hiện tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu từ vụ mùa năm 2021 đến năm 2023. Tại vụ mùa năm 2023, thực hiện phục tráng Vụ thứ 3 (thế hệ G2) với nội dung: Đánh giá và chọn lọc thế hệ G2 và các hoạt động để xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa Nếp Tan Đỏ.

    Xác định mục tiêu của mô hình là: Người dân nắm được phương pháp tiến hành thí nghiệm phục tráng giống; Khôi phục lại những tính trạng đặc trưng của các giống lúa Nếp Tan Đỏ được gieo cấy nhiều vụ tại địa phương đã bị thoái hoá, lẫn tạp nhiều; Giúp bà con hiểu được nguyên tắc và phương pháp canh tác lúa cấy lúa thích ứng với khí hậu. Thay đổi cách làm theo phương pháp truyền thống sang hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn góp phần cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Tham gia lớp tập huấn về Mô hình “phục tráng giống lúa nếp bản địa”, bên cạnh việc tập huấn về các bước/quy trình kỹ thuật về phục tráng giống lúa; các học viên còn được hướng dẫn áp dụng phương pháp kỹ thuật canh tác theo CAR như: Cấy thẳng hàng (giúp cho việc làm cỏ, bón phân và chăm sóc thuận tiện), cấy thưa từ 35 - 40 cây/m2, cấy 1-2 dảnh, cấy nông 2- 3 cm để lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe (cấy sâu làm cho rễ mạ có thể bị chết hoặc thối hoặc cây mạ rất lâu mới bén rễ hồi xanh); bón phân hữu cơ, bón phân cân đối, tập trung vào các thời kỳ thiết yếu; thường xuyên (khoảng 3-5 ngày) ra thăm đồng ruộng để nhận biết các biểu hiện của cây lúa và nhận biết các đối tượng sâu, bệnh gây hại để có biện pháp tác động và phòng trừ sâu, bệnh hại kịp thời, giảm thiệt hại do sâu bệnh hại và tăng năng suất, chất lượng hạt lúa và góp phần ổn định an ninh lương thực của bản.

    Qua 3 năm triển khai thực hiện, tổng kết quá trình thực hiện theo dõi từ lúc gieo mạ, cấy đến khi thu hoạch, kết quả đánh giá và tham số thống kê của một số tính trạng chính và năng suất của 5 dòng. Kết quả cho thấy, 5 dòng đã chọn được ít có sự phân ly, có thời gian trỗ tập trung và sinh trưởng phát triển đồng đều, ít bị nhiễm sâu bệnh gây hại. Năng suất thực thu trung bình của các dòng dao động trong khoảng 57,81 - 65,37 tạ/ha, cao nhất là dòng D3 đạt 65,37 tạ/ha, thấp nhất là dòng D36 đạt 57,81 tạ/ha. Trong đó, có 04 dòng gồm: Dòng 3, Dòng 7, Dòng 23, Dòng 48 có sự ổn định và đồng đều về các tính trạng chính và năng suất. Đây chính là các dòng sau khi thu hoạch có thể để hỗn dòng thành giống hạt siêu nguyên chủng để gieo cấy trong những vụ tiếp theo.

anh tin bai

Học viên trình bày báo cáo kết quả tại Hội thảo 

 

anh tin bai

Đại biểu tham quan mô hình tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu

anh tin bai

Đại biểu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu phát biểu tại Hội thảo

    Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, các giống lúa bản địa đã được gieo cấy tại địa phương lâu năm nên hình thành những gen quý có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của thời tiết và sâu bệnh hại tốt hơn so với giống lúa khác. Các giống lúa bản địa như giống nếp tan đỏ mặc dù năng suất thấp hơn so với giống lúa khác nhưng giá bán cao hơn nên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt gạo nếp có vị thơm nhẹ và dẻo. Do đó, với kỹ thuật phục tráng giống lúa nếp bản địa đã được tập huấn, người dân trong bản đã từng bước chủ động được nguồn giống, bảo tồn đa dạng sinh học, trong thời gian tới hy vọng trên địa bàn xã huyện Thuận Châu nói chung và xã Chiềng Pha, giống lúa nếp Tan đỏ sẽ tiếp tục được lưu giữ, bảo tồn và phát triển mở rộng góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho người dân đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Tác giả: Huân Nguyễn - Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
TIN LIÊN QUAN
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập