Nông dân Sơn La chủ động bảo vệ đàn vật nuôi phòng tránh mưa lũ
Lượt xem: 84

Mấy ngày nay, khi bản làng còn chìm trong sương sớm mờ mịt thì chiếc loa phóng thanh đặt ở nhà ông Tòng Văn Nghiên, Trưởng bản Lụa, xã Hua La, thành phố Sơn La đã vang vang, nhắc nhở các hộ gia đình chú ý thực hiện các lưu ý để chủ động phòng chống thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ.

Trưởng bản Tòng Văn Nghiên cho biết: Cùng với tuyên truyền qua loa phát thanh, các lực lượng trong bản như hội nông dân, hội phụ nữ cũng đến từng hộ chăn nuôi, vận động bà con trong bản gia cố, phủ bạt quanh chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn, nước uống dự trữ trong những ngày mưa lũ xảy ra.

Để bảo vệ đàn gia súc của gia đình trong mùa mưa lũ, anh Lèo Văn Hương ở bản Lụa, xã  Hua La đã chủ động thu gom những phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm rạ, cây ngô …sau mùa thu hoạch từ tháng 6. Bên cạnh đó, gia đình cũng trồng thêm cỏ voi, cây chuối để ủ chua, làm thức ăn cho 15 con bò của gia đình.

Ông Lèo Văn Hương (hộ chăn nuôi tại bản Lụa, xã Hua La, thành phố Sơn La) cho hay: "Mùa lũ năm nay, bên cạnh chuyển các tài sản có giá trị lên cao, việc bảo quản nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi cũng được gia đình tôi thực hiện cẩn thận. Do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát bên đồi nên chỉ cần trời mưa to liên tục ít giờ là nước lũ đã dâng lên. Nếu không chuẩn bị tốt các phương án thì hậu quả sẽ khó lường trước".

Để hỗ trợ người dân bảo vệ tốt đàn vật nuôi của gia đình đội ngũ cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố cũng tăng cường xuống các bản trực tiếp hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp ứng phó.

Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt: Không làm chuồng trại chăn nuôi gần bờ sông, bờ suối, tả luy cao để tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; cần chủ động nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa; làm sàn kê cao, căn cứ vào số lượng, loại vật nuôi, lượng thức ăn tiêu thụ/ngày của cơ sở chăn nuôi để lập kế hoạch dự trữ thức ăn đầy đủ tối thiểu 15 ngày cho vật nuôi; dự trữ nước uống sạch, tu sửa máy bơm, hệ thống dẫn nước đảm bảo nguồn cung dự phòng kịp thời.

Đối với những vùng bị ngập lụt: Chuẩn bị sẵn phương án di dời vật nuôi lên những vùng đất cao bằng cách làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của các bộ thú ý tại địa phương. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng; kiểm tra sự hoạt động của hệ thống xử lý chất thải; tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi; định kỳ phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để phòng bệnh.

Trong mưa bão, lụt: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết, kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần. Làm nhà tạm cho vật nuôi: dựng lều bạt, lán trại và có phương án kiểm soát vật nuôi. Có giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài…

Công tác phòng chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường quanh chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 tuần 1 - 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng theo quy định và theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó…

Sau mưa bão, lụt: vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đốivới gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục. Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh./.

Tác giả: Nguyễn Huyền Trang - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập