Hội thảo đầu bờ “Khuyến nông kết nối nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị”
Lượt xem: 62

Năm 2019, Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng huyện Vân Hồ” thuộc chương trình GREAT được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) triển khai tại các xã Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ.

Dự án đã hướng dẫn nông dân khai thác măng ở rừng trồng tự nhiên, chuyển giao kỹ thuật chiết ghép cành giống, mở rộng vùng trồng măng bát độ nguyên liệu; tư vấn thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất măng sạch và bao tiêu sản phẩm... Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến, nhà sấy năng lượng mặt trời; xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương…, dần hình thành các liên kết sản xuất măng theo chuỗi giá trị giữa nông dân - tổ hợp tác - hợp tác xã - công ty xuất khẩu.

Nhận thấy những lợi ích do Dự án mang lại như: giá trị về môi trường, xã hội, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế cho hộ nông dân tham gia mô hình, ngày 08/10/2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vân Hồ và dự án Great tổ chức Hội thảo đầu bờ “Khuyến nông kết nối nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị” tại xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; phòng nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVNN huyện Vân Hồ; Ban quản lý Dự án GREAT; lãnh đạo UBND, HTX, Tổ Khuyến nông cộng đồng và 70 nông dân các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Mường Men, Chiềng Khoa.

Tại hội thảo, các dại biểu đã chia sẻ kiến thức về chuỗi giá trị nông sản, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài ra, đại biểu còn được tiếp cận nhiều thông tin bổ ích về các giải pháp, công nghệ và mô hình phát triển nông nghiệp, đặc biệt tham quan thực tế tại vườn trồng măng và cơ sở sản xuất của hợp tác xã Sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân.

Măng Bát Độ được trồng và khai thác chủ yếu tại các xã Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân, với trên 300 ha, trong đó, 90 ha đã cho sản phẩm. Trồng cây măng Bát Độ ở huyện Vân Hồ được đánh giá  phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng bình quân đạt 12-15 tấn/ha, thu nhập từ trên 50-70 triệu/ha. Các sản phẩm măng Bát độ, gồm: Măng khô, măng chua,... được sơ chế, đóng gói mang đi tiêu thụ toàn quốc và xuất khẩu.  

Hội thảo sẽ là dịp để nông dân đặt câu hỏi, thảo luận và tìm hiểu thêm về những cơ hội mới trong sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ từ Dự án GREAT trong việc phát triển chuỗi giá trị măng sạch; thực trạng, triển vọng phát triển của các HTX sản xuất và chế biến măng; việc phát triển sản xuất măng Bát Độ theo chuỗi giá trị tại huyện Vân Hồ; vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ và phát triển mô hình sản xuất măng sạch; những lưu ý trong quá trình chọn giống, kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, quản lý sâu bệnh đối với măng Bát Độ, các biện pháp tối ưu hóa năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó phát triển mô hình trồng măng Bát Độ một cách bền vững và hiệu quả.

Sau hội thảo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp dự án Great tuyên truyền, nhân rộng mô hình trồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và chế biến măng Bát Độ đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và đẩy mạnh liên kết trồng, sản xuất theo chuỗi giá trị, ngành hàng, dần hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung hiệu quả, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm măng Bát Độ cho nông dân, HTX.

Hội thảo đầu bờ “Khuyến nông kết nối nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị” là một sự kiện quan trọng nhằm tăng cường kết nối giữa nông dân, các tổ chức khuyến nông và doanh nghiệp trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Tác giả: Thảo Hiếu - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập