Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020, định hướng sản xuất vụ đông 2021

Sáng ngày 8/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị“Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2021 các tỉnh phía Bắc”. Đây là Hội nghị được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá kết quả vụ Đông của năm trước và định hướng cho sản xuất vụ Đông năm nay trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 bùng phát mạnh mẽ hiện nay, Hội nghị đã được tiến hành theo hình thức trực tuyếnkết nối với 31 tỉnh thành phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị. Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì đầu cầu tỉnh Sơn La.

Những năm gần đây vụ đông đã trở thành vụ chính trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Vụ đông có ý nghĩa rất quan trọng, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân những tháng cuối năm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất vụ đôngnhằm đảm bảo vững chắc nguồn cung thực phẩm, do vậy thắng lợi trong sản xuất vụ đông càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Qua Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, nhìn chung cả vụ đông năm 2020 thời tiết, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây vụ đông; năng suất, chất lượng đều cao hơn so với các năm trước. Dịch bệnh Covid-19 tuy có những tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông tiêu thụ nông sản vụ đông tại nhiều địa phương, nhưng lại có những tác động tích cực đến một số địa phương có kế hoạch sản xuất linh động phù hợp và có kết nối cung cầu tốt. Diện tích cây trồng vụ đông 2020 đạt 375 nghìn ha, giảm 13,3 nghìn ha so với vụ đông 2019. Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2020 đạt 4.556 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với cùng kỳ. Tổng giá trị cây vụ đông 2020 đạt khoảng 32.628 tỷ đồng, mặc dù diện tích sản xuất vẫn giữ nguyên nhưng giá trị sản xuất cây vụ đông 2020 đạt 84,3 triệu đồng/ha, tăng 3,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.Năng suất có sự biến động tùy từng nhóm cây, nhóm cây ưa ấm có năng suất tăng như ngô, lạc, đậu tương; Nhóm cây có năng suất giảm chủ yếu là cây ưa lạnh như khoai tây, rau đậu các loại...

Đối với tỉnh Sơn La, tổng diện tích cây trồng vụ đông năm 2020 là 4.222 ha, tổng giá trị đạt 266.473 triệu đồng. Trong đó cây ngô diện tích đạt 1.951 ha, giá trị sản xuất đạt 61.293 triệu đồng; Cây rau đậu các loại 2.196 ha, năng suất đạt 128,5 tạ/ha, sản lượng đạt 28.128 tấn. Cây khoai tây có diện tích 75ha, sản lượng đạt 637,5 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.650 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động chuỗi cung ứng nông sản cây trồng với 159 chuỗi tổng diện tích 3.036 ha, sản lượng 38.684 tấn. Trong đó 29 chuỗi rau an toàn, diện tích 174 ha, sản lượng 7.427 tấn/ năm; 22 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây…) diện tích 2.834 ha, sản lượng 24.260 tấn/năm; 01 chuỗi cà phê diện tích 16 ha, sản lượng 132 tấn/năm; 07 chuỗi chè diện tích 462 ha, sản lượng 6.865 tấn năm. Sản phẩm chuỗi giá trị an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Niên vụ 2021, bên cạnh tiêu thụ quả nhãn tươi, tỉnh Sơn La đã đưa phần lớn sản lượng nhãn vào sản xuất long nhãn và ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác, theo đồng chí Lê Quốc Doanh tỉnh đãvận dụng linh hoạt phù hợp với thực tiễn và là kinh nghiệm cần được học tập.

Theo các báo cáo tham luận tại Hội nghị, sản xuất vụ đông 2021 có những ảnh hưởng như: thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây vụ đông và sinh vật gây hại trên cây vụ đông; không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm. Khu vực Bắc Bộ, tháng 9-10/2021 lượng mưa phổ biến mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%, từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với TBNN. Dự báo sinh vật gây hại chủ yếu là sâu keo mùa thu, sâu đục thân hại ngô; sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh, bệnh sương mai hại rau, ruồi đục thân, sâu cuốn lá hại đậu tương, bệnh mốc sương trên cây khoai tây, cà chua khả năng gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước…

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào các giải pháp, kinh nghiệm trong việc duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của các ngành và địa phương trong sản xuất vụ đông 2020, nhiều bài học kinh nghiệm hay như bố trí các cây trồng đa dạng, có giá trị cao, chính sách hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Thứ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Bắc cần huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Tài chính, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất, đổi mới phương thức chỉ đạo; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và liên kết trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay để đảm bảo sản xuất vụ Đông thắng lợi và hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định cần tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ đông 2021 nhằm đảm bảo an toàn và an ninh thực phẩm đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước, không để thiếu nông sản. Vụ đông 2021, sẽ triển khai trên 31 tỉnh thành phía Bắc, đánh giá chung tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, có những ảnh hưởng nhất định đến sản xuất và kết nối cung cầu. Tình hình mưa và bão cho đến thời điểm này chưa nhiều như mọi năm, cần đề phòng thời tiết cực đoan bất thường trong thời gian tới. Theo dự báo, mùa đông năm nay sớm hơn mọi năm, các tỉnh có thuận lợi cần thu hoạch vụ lúa mùa sớm hơn mọi năm, thuận lợi để bố trí cơ cấu cây ưa ấm. Cần tiếp tục tìm hiểu, khai thácvà tham khảo nhu cầu các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Bộ trưởngđề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch vụ đông 2021 cụ thể, chú ý cây có giá trị kinh tế cao, đa dạng các nhóm cây, có thể quay vòng để rải vụ. Cần có các biện pháp giải phóng đất, tập trung thu nhanh gọn lúa hè thu với tiêu chí xanh nhà hơn già đồng, giải phóng đất để sản xuất vụ đông, thời điểm muộn nhất là 5/10/2021. Chuẩn bị đủ các loại giống và vật tư khác. Đặc biệt dịch bệnh ảnh hưởng đến cung cầu, vận chuyển, giá cả…Lưu ý một số biện pháp kỹ thuật, công tác tiêu, thoát nước, đặc biệt giai đoạn mưa bão cuối mùa, vụ thu và lúa mùa rất cần phải chủ động hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của ngập úng và một số bệnh trên cây trồng. Chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ đông ngay sau khi thu hoạch lúa; bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ đông sớm. Với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt; với nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế.

 

Tác giả: Minh Thanh – Trung tâm Khuyến nông.
TIN LIÊN QUAN
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập